Có một thực tế đáng buồn là nhiều khi bệnh ung thư đại tràng tiến triển nặng, khó chữa khỏi không phải do sự phát triển nhanh bất ngờ của các tế bào ung thư mà do người bệnh đã có những quan niệm sai lầm về bệnh. Những sai lầm này là gì và đâu mới là sự thật? Hãy cùng điểm qua những quan niệm sai lầm này ngay trong bài viết dưới đây.
Mục Lục
1. Giảm ăn, kiêng ăn để “bỏ đói” khối u
Sai lầm:
Nhiều người truyền tai nhau rằng những chất dinh dưỡng trong thức ăn khi nạp vào cơ thể sẽ là nguồn năng lượng để các khối u lớn dần lên. Vì thế, họ quyết định giảm ăn, kiêng ăn để “bỏ đói” khối u và làm khối u teo dần đi. Thay vì ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, người bệnh chỉ ăn gạo lứt, muối vừng để chống đói. Thậm chí nhiều người chỉ ăn chay và tuyệt đối tránh xa các loại thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, sữa, trứng…
Chính quan niệm sai lầm này đã làm cho người bệnh bị suy dinh dưỡng, yếu dần đi, không còn sức chống chọi với sự tấn công của các tế bào ung thư. Tỷ lệ biến chứng, nhiễm trùng, tử vong cũng theo đó mà tăng lên.
Sự thật:
Thực tế, người bệnh ung thư dạ dày không được nhịn ăn mà phải nạp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng để có sức chống chọi với bệnh tật. Ngoài ra người bệnh cũng cần có một chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất. Cụ thể người bệnh nên:
Nên bổ sung hợp lý các thực phẩm giàu protein, các loại ngũ cốc, thực phẩm ít chất xơ, các loại nấm, đậu phụ…
Nên tránh ăn các thực phẩm giàu lipid, đường, đồ cay nóng, chất kích thích vì những thứ này có thể ngăn cản sự hấp thu các chất dinh dưỡng của cơ thể.
Có làm được như thế thì người bệnh mới nâng cao được sức khỏe và có đủ sức để đáp ứng liệu trình điều trị, giảm tác dụng phụ từ thuốc.
Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư đại tràng: NÊN ăn gì – KHÔNG NÊN ăn gì?
Người bệnh ung thư đại tràng cần có chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe, chống lại các tế bào ung thư
2. Không thể chữa khỏi ung thư đại trực tràng
Sai lầm:
Nhắc đến ung thư nhiều người nghĩ ngay đến “án tử” và nghĩ rằng không thể chữa khỏi bệnh ung thư đại trực tràng. Điều này vô tình tạo ra tâm lý chán nản, bi quan cho người bệnh. Sự thiếu ý chí làm cho người bệnh dễ cảm thấy mệt mỏi, chán nản, không muốn điều trị và điều này làm cho bệnh càng tiến triển nặng thêm.
Sự thật:
Thực tế không phải vậy, theo nghiên cứu của tiến sĩ Siegel thuộc Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) thì tỷ lệ sống sau 5 năm của người bị ung thư đại tràng giai đoạn đầu là 94%. Sau đó, tỷ lệ này sẽ giảm dần theo từng giai đoạn, đến giai đoạn muộn chỉ còn khoảng 20%. Như vậy, nếu phát hiện bệnh sớm và tích cực chữa trị, người bệnh hoàn toàn có thể khỏi bệnh.
Do đó, khi bị ung thư đại tràng, bạn hãy suy nghĩ lạc quan, tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ và kết hợp với chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể chất để tăng cường sức khỏe, chống lại bệnh ung thư.
Nếu phát hiện sớm, tỷ lệ sống trên 5 năm cao và bệnh ung thư đại tràng hoàn toàn có thể chữa khỏi được
3. Bị polyp trong đại tràng, điều đó có nghĩa là tôi bị ung thư đại trực tràng
Sai lầm:
Khối u ung thư đại tràng có thể xuất phát điểm từ khối polyp. Vì thế, nhiều người bệnh nghĩ rằng mình bị polyp trong đại tràng nghĩa là đã bị ung thư. Điều này càng khiến họ hoang mang, lo lắng.
Sự thật:
Suy nghĩ này là “oan” cho khối polyp. Bởi đây thực chất chỉ là một khối u lành tính phát triển trên màng lót của ruột già. Phải cần từ 10 – 15 năm, dưới tác động của môi trường bên ngoài, khối polyp mới có thể biến thành khối u ung thư. Do đó, nếu phát hiện dấu hiệu bệnh, bạn nên tầm soát sớm để phát hiện các khối polyp này và loại bỏ hoàn toàn trước khi chúng biến thành khối u ác tính.
Xem thêm: 5 điều cần biết về ung thư polyp đại tràng
Một khối polyp trong đại tràng cần có 10 – 15 năm dưới tác động của môi trường mới có thể biến thành khối u ung thư
4. Phẫu thuật làm cho tế bào ung thư lây lan nhanh hơn
Sai lầm:
Thêm một suy nghĩ tai hại nữa liên quan đến bệnh ung thư đại trực tràng là đụng dao làm tế bào ung thư lây lan nhanh hơn, vì thế, không nên phẫu thuật. Chính suy nghĩ sai lầm này làm cho người bệnh từ chối phẫu thuật để bệnh tiến triển nặng thêm, ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả điều trị.
Sự thật:
Sự thực rằng phẫu thuật lại là một trong những phương pháp điều trị quan trọng nhất đối với người bệnh ung thư đại tràng. Bởi nguyên tắc của phẫu thuật ung thư đại tràng là cắt bỏ khối u và những vùng xung quanh để loai bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư và không cho các tế bào này có cơ hội phát triển nữa. Vì thế, phẫu thuật không làm lây lan tế bào ung thư mà trái lại còn giúp triệt tiêu các vấn đề này.
Do đó, nếu được chỉ định, người bệnh nên phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư và có thể hồi phục sức khỏe trở lại như bình thường.
Phẫu thuật sẽ giúp loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư đại tràng ra khỏi có thể người bệnh
5. Không có triệu chứng gì, thì không bị ung thư đại tràng
Sai lầm:
Nếu như nhiều người bệnh suy nghĩ quá xa, cho rằng cứ bị ung thư đại tràng là chết thì lại có người chủ quan nghĩ rằng không có triệu chứng là không bị bệnh. Vì thế, họ không đi tầm soát thường xuyên, thấy dấu hiệu nhưng bỏ qua, đến khi phát hiện bệnh thì đã quá muộn và rất khó điều trị, gây tốn kém chi phí.
Sự thật:
Ung thư đại tràng được ví như sát thủ thầm lặng. Phần lớn những người bị ung thư đại tràng giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ rệt, dễ nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa khác. Chỉ đến khi khối u ung thư đã phát triển và lan rộng, các triệu chứng bệnh mới biểu hiện ra bên ngoài.
Vì thế, khi thấy một vài dấu hiệu bất thường hoặc thuộc đối tượng nguy cơ cao, bạn nên đi tầm soát ung thư đại tràng định kỳ để phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, tăng tỷ lệ thành công.
Bạn nên đi tầm soát ung thư đại tràng ngay khi có dấu hiệu bất thường hoặc thuộc đối tượng nguy cơ cao
Trên đây là 5 sai lầm thường gặp nhất đối với người bệnh ung thư đại tràng. Các sai lầm này có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc, làm bệnh tiến triển nặng thêm, thậm chí có thể gây tử vong. Để tránh những sai lầm này và nhiều sai lầm đáng tiếc khác, bạn hãy tiến hành thăm khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư đại tràng ngay khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường.